Giá vàng tăng nhẹ
Chốt phiên giao dịch cuối tuần, giá vàng thế giới giao dịch quanh mức 1.780 USD/ounce, đi ngang so với giao dịch cùng thời điểm này sáng qua.
Tuần qua, giá vàng thế giới vẫn chịu áp lực từ việc Cục dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sớm thắt chặt tiền tệ. Trong tuần có lúc giá vàng thế giới đã leo lên mức 1.792 USD/ounce do bất ổn ở Afghanistan. Tuy nhiên, mức này nhanh chóng được đẩy xuống do Fed phát đi tín hiệu sẽ giảm lượng mua trái phiếu doanh nghiệp bắt đầu từ tháng 9 tới và tăng lãi suất đồng USD vào cuối năm 2022. Tính chung trong tuần, giá vàng thế giới vẫn tăng nhẹ 2 USD/ounce so với giá mở cửa tuần.
Thời gian bắt đầu Fed thắt chặt tiền tệ thì nhiều người nắm chắc, nhưng giới nhà đầu tư mong đợi xem thêm chi tiết về kế hoạch giảm chương trình mua trái phiếu hàng tháng của Fed như thế nào. Thông tin này sẽ được Fed đưa ra vào tuần tới.
Tuy nhiên, một số phân tích cho rằng, nếu Fed mới chỉ cắt giảm lượng mua trái phiếu thì giá vẫng còn tăng. Bởi, Fed mới chỉ là hạn chế bơm tiền vào thị trường. Trong khi đó, 2 gói đầu tư cơ sở hạ tầng, an sinh xã hội và môi trường với tổng trị giá lên đến 4.500 tỷ USD sẽ sớm được rót vào thị trường. Điều này cho thấy hạn chế bơm ở chỗ này nhưng lại phình ra ở chỗ khác, có thể đẩy giá tiêu dùng lên cao, kéo theo lạm phát tăng mạnh.
Trong khi lợi suất trái phiếu tăng lên 2%, nhưng so với tỷ lệ lạm phát vẫn thấp hơn nhiều. Chuyên gia cho rằng, nếu tuần tới Fed đưa ra kế hoạch cắt giảm lượng mua trái phiếu không đáng kể thì giá vàng vẫn tăng trở lại.
Tuần qua, giá vàng SJC trong nước đã có 3 phiên đầu tuần gần như đi ngang, hoặc nhích nhẹ. Tuy nhiên, 2 phiên giữa tuần đã giảm từ 100.000 – 150.000 đồng/lượng, giúp giá vàng trong nước thu hẹp chênh lệch với giá vàng thế giới từ trên 8 triệu đồng/lượng vào cuối tuần trước, xuống còn trên 6 triệu đồng/lượng vào tuần này.
Ảnh minh họa. Ảnh: Baochinhphu.vn
Gà rớt giá thê thảm, người nuôi thiệt hại hàng tỉ đồng
Trong điều kiện bình thường mỗi ngày Đồng Nai xuất ra thị trường khoảng 100.000 con gia cầm chủ yếu là gà và vịt, trong đó tiêu thụ nội tỉnh chiếm khoảng 15%, số còn lại là cung cấp cho thị trường TP Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, trong 2 tháng qua các thương lái khó tiếp cận để thu mua và thị trường tiêu thụ cũng giảm đến 50% do ảnh hưởng dịch Covid-19 diễn biến phức tạp tại TP Hồ Chí Minh cũng như tại tỉnh Đồng Nai nên các trại gia cầm như "ngồi trên đống lửa" vì giá gà, giá vịt xuất chuồng quá thấp.
Trang trại gà của ông Lê Phương Hải tại huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai đang có trên 150.000 con gà đến kỳ xuất bán nhưng không thể xuất chuồng vì không có thương lái mua. Do không xuất bán được, không chỉ thua lỗ hằng ngày phải thúc cám cho gà ăn mà mỗi ngày còn có hàng trăm con gà chết trong chuồng do chen chúc, giẫm đạp lên nhau khiến ông Hải thiệt đơn thiệt kép. Có những ngày ông Hải thông báo trên group khách hàng hạ giá gà xuống còn 10.000 đồng, thậm chí dưới 10.000 đồng/kg nhưng cũng không có thương lái hay chủ lò mổ nào đặt mua.
Theo ông Hải, mặc dù trang trại của ông nuôi gà theo quy trình khép kín, đạt tiêu chuẩn cung ứng cho các chuỗi thức ăn nhanh lớn như KFC, McDonald và xuất khẩu đi Nhật Bản, song do dịch Covid-19, các chuỗi này đều ngừng hoạt động nên không có nơi tiêu thụ. Mặt khác do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nên các chợ, chuỗi cửa hàng thức ăn nhanh, lò mổ đều phải đóng cửa hoặc hoạt động lẻ tẻ nên lượng gà xuất bán chỉ “nhỏ giọt”.
Theo tính toán của ông Hải thì lứa gà này ông đã thiệt hại số tiền lên tới hàng tỉ đồng và đứng trước nguy cơ phá sản ngay trước mắt bởi những khoản nợ tiền thức ăn, khoản vay đầu tư đã đến kỳ phải trả.
Tương tự, ông Nguyễn Thành Sơn, chủ trang trại gà tại huyện Thống Nhất, cho biết: "Với giá gà như hiện nay, người chăn nuôi gà tam hoàng đang chịu lỗ từ 10.000 đến 11.000 đồng/kg". Nguyên nhân chính vẫn là hàng loạt lò giết mổ tại Đồng Nai, Long An phải đóng cửa do có ca nhiễm Covid-19 hoặc thiếu nhân công. Tình trạng này cũng khiến chuỗi cung ứng gà cho các siêu thị và chợ truyền thống bị đứt đoạn.
Đại diện Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai cho rằng, tình hình dịch bệnh Covid-19 lan rộng khiến giá gà, vịt bán tại trang trại giảm dưới giá thành sản xuất nhưng nhiều hộ chăn nuôi vẫn khó xuất bán sản phẩm. Theo Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, nguyên nhân các loại gia cầm bán tại trang trại đồng loạt rớt giá chủ yếu là do các chợ đầu mối lớn ở TP Hồ Chí Minh, thị trường tiêu thụ lớn nhất các mặt hàng này của Đồng Nai đều tạm ngưng hoạt động để phòng, chống dịch Covid-19. Hàng loạt thương lái ở Đồng Nai kinh doanh gia cầm ở các chợ đầu mối tại TP Hồ Chí Minh đều thuộc diện phải cách ly y tế để phòng, chống dịch nên hầu như tạm dừng mọi hoạt động mua bán, kinh doanh gia cầm. Từ đó, hoạt động thu mua gia cầm tại nhiều địa phương gần như đình trệ.
Ông Trần Lâm Sinh, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Đồng Nai cho rằng, để cứu các trang trại gà thoát cảnh phá sản lúc này các địa phương cần cần huy động toàn bộ công suất của các nhà máy giết mổ trong vùng. Với các nhà máy có ca mắc Covid-19, cần được xử lý y tế và xem xét cho phép hoạt động trở lại. Cùng lúc cần cho khởi động các nhà máy giết mổ nhỏ để bù đắp vào phần công suất bị giảm do yêu cầu giãn cách. Mặt khác cần tạo điều kiện để kích hoạt lại các bếp ăn công nghiệp, mở cửa chợ truyền thống trở lại càng sớm càng tốt.
Trong điều kiện các chợ truyền thống chưa đủ điều kiện hoạt động trở lại, cần có giải pháp tình thế như chia nhỏ các điểm bán hàng thiết yếu, thực phẩm đến các khu cách ly, khu phong tỏa. Điều này không chỉ giảm tải được việc xếp hàng ở siêu thị mà người dân trong các khu cách ly, khu phong tỏa vẫn được tiếp cận đầy đủ các loại thực phẩm. Đây cũng là con đường ngắn nhất giúp người nông dân bán được gia cầm vào thời điểm này. “Cứu” được người nuôi gà thời điểm hiện nay cũng sẽ giúp mặt hàng thực phẩm này không trở lên khan hiếm, tăng giá trong những tháng sắp tới.
Sầu riêng Đắk Nông giảm giá mạnh vẫn ế
Tại Đắk Nông, sầu riêng hạt loại giống cũ các năm trước có giá 20.000 - 25.000 đồng/kg nhưng năm nay giá giảm hơn một nửa, chỉ còn dưới 10.000 đồng/kg.
Theo một số chủ vựa thu mua trái cây, thị trường tiêu thụ bị ảnh hưởng do dịch Covid-19 là nguyên nhân khiến sầu riêng rớt giá.
Trái ngược với tình hình ở Việt Nam, sầu riêng Việt Nam xuất sang Australia có giá cao nhưng vẫn cháy hàng. Từ đầu năm 2021, mặc dù nhiều thành phố tại Australia bị giãn cách xã hội, nhưng sầu riêng Ri6 vẫn có sức hút lớn.
Thương vụ Việt Nam tại Australia cho biết, mới đây, hơn 15 tấn sầu riêng đông lạnh của một công ty Việt Nam xuất sang Australia đã “cháy hàng” chỉ trong hai ngày phân phối, từ 23-24/7. Giá sàn thấp nhất lên đến 18,99 AUD/kg (khoảng 320.000 đồng/kg) đối với sầu riêng đông lạnh nguyên quả và 20-25 AUD/kg (khoảng 340.000-425.000 đồng/kg) đối với loại bóc sẵn múi.
Giá thanh giảm mạnh
Ghi nhận tại xã Thanh Bình, huyện Chợ Gạo, thanh long ruột đỏ được thương lái thu mua tại vườn có giá từ 4.000 - 7.000 đồng/kg tùy theo loại. Nông dân trồng thanh long tại xã Thanh Bình cho biết, những ngày qua, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên giá thanh long giảm so với trước, riêng các loại trái thanh long chất lượng kém, hình dáng không đẹp, quá thời gian thu hoạch,... thì thương lái không chịu thu mua nên nhà vườn đành phải bỏ cho cá hay gia súc ăn, do đó ảnh hưởng rất nhiều đến kinh tế gia đình.
Thanh long có giá thấp là do dịch Covid-19 bùng phát làm cho việc xuất khẩu gặp khó khăn, nhiều doanh nghiệp, cơ sở thu mua thanh long đóng cửa. Hiện nay, cùng với việc triển khai các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19, các ngành chức năng của tỉnh Tiền Giang và huyện Chợ Gạo đang triển khai các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn trong sản xuất, tiêu thụ nông sản cho nông dân, trong đó có trái thanh long, nhằm thực hiện tốt mục tiêu vừa phòng, chống dịch, vừa phát triển kinh tế - xã hội.
Theo thống kê, diện tích thanh long hiện nay ở Tiền Giang khoảng trên 9.000 ha. Trong đó, vùng chuyên canh thanh long tập trung chủ yếu ở huyện Chợ Gạo tại các xã: Quơn Long, Đăng Hưng Phước, Tân Bình Thạnh, Mỹ Tịnh An, Thanh Bình, Tân Thuận Bình, Long Bình Điền, Lương Hòa Lạc,… Ngoài ra, thanh long còn được trồng ở một số xã thuộc huyện Tân Phước như: Tân Lập 1, Tân Lập 2, Thạnh Tân,… Tại Tiền Giang thanh long được cấp Giấy chứng nhận sản xuất an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP va GlobalGAP.
Ảnh minh họa. Ảnh: Hanoimoi.com.vn
Na Lạng Sơn được mùa, được giá
Chị Nguyễn Thị Hạnh, tiểu thương bán hoa quả tại chợ Khương Thượng (quận Đống Đa) cho biết, dù ảnh hưởng của Covid-19 nhưng na Lạng Sơn trong vụ thu hoạch năm nay bán khá được giá.
Khảo sát một số chợ truyền thống trên địa bàn Hà Nội như Kim Liên, Khương Thượng (quận Đống Đa), Thành Công ( quận Ba Đình) cho thấy, hiện na đang được bày bán khá nhiều, với mức giá dao động từ 40.000 - 70.000 đồng/kg (tùy kích cỡ quả); tại các cửa hàng chuyên kinh doanh hoa quả giá bán lên đến 80.000 - 85.000 đồng/kg. Đặc biệt loại na bở giá đắt gấp 2 - 3 lần na dai, với giá từ 100.000 - 130.000 đồng/kg, na bở loại 1 quả to giá từ 150.000 - 160.000 đồng/kg. Thời điểm này trên các trang mạng xã hội như Zalo, Facebook cũng xuất hiện nhiều lời quảng cáo, chào bán na Đồng Bành (Lạng Sơn) đóng thùng 10kg với giá 35.000 - 37.000 đồng/kg.
Mặc dù giá na khá cao, nhưng loại quả này đang là mặt hàng bán chạy trong những ngày giãn cách xã hội phòng chống dịch Covid-19. Tiểu thương Lê Minh Mai kinh doanh hoa quả tại chợ Kim Liên chia sẻ, khoảng một tháng nay mỗi ngày chị bán ra từ 40 - 50kg na. Theo chị Mai, mùa na năm nay quả đều và mã đẹp hơn mọi năm, nên giá na cũng cao hơn năm trước khoảng 5.000 đồng/kg.
Đại diện Công ty nông sản Dũng Hà (nhà số A11, ngõ 100 Trung Kính) cho biết: Giá na bán tại thị trường Hà Nội cao là do giá mua buôn chưa có tiền vận chuyển tại huyện Chi Lăng (Lạng Sơn) đã lên đến 20.000 - 22.000 đồng/kg .